Đà Nẵng được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với núi non và biển. Không những thế, nơi đây còn làm du khách say mê bởi những cây cầu thơ mộng bắc qua sông Hàn. Đà Nẵng còn được báo chí và du khách đặt danh hiệu “ thành phố của những cây cầu”. Tất cả đã làm cho Đà Nẵng thêm lung linh, tráng lệ hơn và hấp dẫn du khách đến nơi đây.
Cầu Quay sông Hàn
Đây là cây cầu nổi tiếng bởi sự độc nhất vô nhị của nó. Cây cầu này được xem là điểm nổi bật trên bầu trời kiến trúc Việt Nam hiện đại vì có thể quay được.
Được khánh thành và đưa vào hoạt động từ năm 2000, cầu Quay vẫn ngày ngày chuyển động như là biểu tượng của thành phố trẻ Đà Nẵng năng động. Cây cầu nối liền hai bờ sông Hàn với chiều dài 487,7m, rộng 12,9m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33m. Du khách đến đây có thể lang thang hóng gió và đợi chờ. Đúng 12h đêm, thời khắc cây cầu từ từ chuyển mình, rời hai bờ để xuôi theo dòng sông, giúp cho tàu thuyền qua lại dễ dàng hơn. Và đến khoảng 3h30 sáng, cây cầu lại trầm mặc với vị trị cũ, chờ đón mọi người qua lại vào một ngày mới.
Cầu treo dây võng Thuận Phước
Cây cầu là đường nối liền thành phố với cảng biển Tiên Sa tuyệt đẹp. Cây cầu nối liền hai bờ sông Hàn và được khánh thành năm 2009, với sự tự hào của toàn thành phố Đà Nẵng bởi đây là cây cầu dây võng dài nhất ở Việt Nam. Cây cầu nối bán đảo Sơn Trà và quận Hải Châu, là chiếc chìa khóa vàng dẫn vào nàng tiên Sơn Trà đang say ngủ với nhiều giá trị tiềm năng. Đêm về, cầu Thuận Phước như một nàng công chúa mỹ miều, rực rỡ đèn in bóng xuống sông Hàn.
Cầu Rồng
Cầu Rồng là trục chính của Đà Nẵng theo hướng Đông – Tây, là tuyến đường ngắn nhất, nối liền sân bay quốc tế Đà Nẵng với các khu du lịch cao cấp ven biển Sơn Trà- Điện Ngọc. Thiết kế của cầu Rồng đã được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ, là biểu tượng mới của Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Đặc biệt cứ vào 9 giờ tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, “Rồng” sẽ phun lửa, phun mưa bằng công nghệ hiện đại, khiến cho sông Hàn thêm phần sống động, thu hút. Lửa sẽ được phun trước với 2 lượt, mỗi lượt 9 lần; và tiếp theo sau là phun nước với 3 lượt, mỗi lượt 1 lần.
Cầu Nguyễn Thị Lý
Cầu Trần Thị Lý vốn là cầu đường sắt được xây dựng từ thời Pháp. Cầu Trần Thị Lý được thiết kế độc đáo với tạo hình và định vị cho trụ tháp chính cao 145 mét nghiêng 12 độ về phía Tây gồm 3 mặt dây phẳng. Trong đó, mặt phẳng dây phía Đông được neo từ thân trụ xuống dầm cầu giữa, mặt phẳng dây phía Tây được bố trí xoắn và rẽ ra hai nhánh tạo hình thành một cánh buồm căng gió hướng ra biển Đông.
Cầu Trần Thị Lý tạo nên một điểm nhấn kiến trúc độc đáo, nối liền quận Hải Châu, quận Sơn Trà và Quận Ngũ Hành Sơn góp phần nâng cao năng lực giao thông ở cửa ngõ phía Đông Đà Nẵng.
Cầu Cẩm Lệ
Đây là cây cầu nằm ở vùng ven, nối quốc lộ 1A và quốc lộ 14B, được xây dựng từ năm 2001, thi công theo công nghệ đúc hẫng – một công nghệ tiên tiến trên thế giới, nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam.
Cầu Cẩm Lệ có chiều dài 399m, rộng 14,5m được xây dựng mới để thay thế chiếc cầu cũ già nua, gãy đổ vì bom đạn chiến tranh.
Tính ra, Đà Nẵng có khoảng 27 cây cầu lớn nhỏ nối hai bờ con sông Hàn, bảo đảm phát triển kinh tế đồng đều cho cả vùng vịnh và khiến nơi đây trở nên đẹp, thơ mộng hơn. Mời bạn đến thăm Đà Nẵng, tận hưởng cảnh đẹp ở thành phố biển quyến rũ. Khi đó, hãy dạo phố đêm trên những cây cầu này, hoặc chọn một góc cà phê nào đó bên bờ sông Hàn, để tận hưởng khung cảnh những cây cầu lung linh về đêm lung linh về đêm