Đặc sắc lễ hội Hà Giang

Đặc sắc lễ hội Hà Giang

 

Hà Giang – mảnh đất vùng cao không chỉ nổi tiếng với những dãy núi hùng vĩ hay những thửa ruộng bậc thang nối nhau trùng điệp và cánh đồng hoa tam giác mạch trải rộng khắp triền núi thơ mộng. Hà Giang còn hấp dẫn du khách bởi những lễ hội của đồng bào vùng cao tỉnh Hà Giang. Những lễ hội nơi đây tuy không có quy mô rộng lớn như những lễ hội vùng xuôi nhưng với những giá trị nguyên bản, nó đã tạo nên nét đặc sắc riêng, độc đáo.

Lễ hội Lồng Tồng của người Tày

Lễ hội Lồng tồng  thường gọi là Hội xuống đồng, là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Tày, cũng là nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc như: Nùng,Dao, Sán Chỉ…. Lễ hội được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông

Là một lễ hội của người đồng bào dân tộc H’Mông. Nội dung chính cho lễ hội là Cầu phúc hoặc cầu mệnh.

– Hội cầu phúc: Một gia chủ nào đó không có con, thưa con hoặc sinh con một bề, sẽ làm lễ nhờ thày cúng bói xin cho mở hội Gầu tào nhằm cầu mong có con.

– Hội cầu mệnh: Một gia chủ nào đó bị ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt, thậm chí có con bị chết, mùa màng, vật nuôi lụi dần, cũng nhờ thầy cúng bói xin mở hội Gầu tào.

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn thường được tổ chức hàng năm lúc giao thời năm cũ và năm mới, vào dịp thu hoạch vụ mùa khoảng tháng 10 tháng 11 âm lịch đến ngày rằm tháng giêng.

Lễ cấp sắc của người Dao

Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của đàn ông Dao. Lễ cấp sắc cũng tương tự như lễ thành đinh của một số dân tộc khác. Người đàn ông cao tuổi mà chưa trải qua lễ cấp sắc thì cũng bị coi như chưa trưởng thành. Ngược lại, dù còn ít tuổi nhưng đã trải qua lễ cấp sắc thì người đó được phép tham dự bàn bạc những công việc của làng bản, dòng họ…

Lễ hội cầu mưa của người Lô Lô

Lễ hội cầu mưa của đồng bào Lô Lô mang tính tín ngưỡng phồn thực khá phổ biến ở các cư dân nông nghiệp. Vào dịp tổ chức lễ hội, hầu như mọi sinh hoạt của người Lô Lô đều hướng vào việc cầu mưa. Họ tâm nguyện, cầu khấn, ước ao những hạt mưa rơi xuống tưới tắm cho cánh đồng Mèo Vạc ngày càng xanh tốt, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm.

le hoi cau mua

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô

Theo phong tục của người Lô Lô, khi gia đình có người chết từ 3 đến 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên (ông tổ “duỳ khế”) và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị (hình người) để thờ cúng. Người Lô Lô cho rằng, tổ tiên là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: tổ tiên gần (duỳ khế) – các ông tổ 3 đến 4 đời và tổ tiên xa (pờ xi) – những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở đi. Các gia đình Lô Lô thường lập bàn thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ, được cắm hoặc cài ở vách phía trên bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên.

Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo

Trong đời sống tín ngưỡng của người Pu Péo, tục cúng thần rừng đã có từ lâu đời. Các khu vực người Pu Péo sinh sống đều có một khu rừng cấm riêng, nơi thần rừng cư ngụ, được người dân gìn giữ và bảo vệ bởi các luật tục và điều kiêng kỵ, không được xâm phạm nơi ở của thần, không được vào rừng chặt cây, lấy củi, săn bắn… Với người Pu Péo, thần rừng (Sau ngun hay Sau nguôn) có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng nhất và được cầu khấn trong hầu hết các nghi lễ thờ cúng

Lễ cúng rừng ở Nàn Ma (Huyện Xín Mần)

Ngày 30 tháng Giêng, cả 7 thôn của xã Nàn Ma đồng loạt cúng thần rừng, đây là nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc trong xã, trong dịp lễ cúng rừng cũng chính là dịp ăn tết tháng Giêng, mọi người đều nghỉ việc không làm nương rẫy mà tổ chức vui chơi, thăm hỏi lẫn nhau. Đặc biệt là trong dịp lễ cúng rừng, đồng bào kiêng chặt cây, kiêng cắt cỏ, thậm chí kiêng cả hái rau ở vườn. Tất cả mọi người kiêng kỵ như vậy để chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới với hy vọng những điều tốt đẹp.