Lễ cúng voi nhập buôn của người M’nông

Lễ cúng voi nhập buôn của người M’nông

Từ xa xưa, đồng bào M’nông đã hình thành nhiều nghi lễ cúng voi như cúng đi săn voi, lễ cưới cho voi, lễ cắt ngà voi, lễ cúng sức khỏe cho voi… trong đó phải kể đến lễ cúng voi nhập buôn.

Khi bắt được voi rừng, đồng bào không dẫn ngay con voi ấy vào buôn mà đưa về bãi thuần dưỡng để tập, rèn dạy. Khoảng 2 – 3 tháng, khi con voi đã khôn ngoan, hiền lành, thuần thục các động tác mới đưa voi vào buôn để sử dụng và làm­ lễ cúng voi nhập buôn. Đây là lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ cúng thần voi của người M’nông.

Để tỏ lòng ngưỡng mộ vị thần của loài vật có sức mạnh ghê gớm này, trước khi nhập voi vào gia đình, làng buôn, người M’nông bao giờ cũng tổ chức lễ cúng thần voi. Lễ cúng nhập buôn cho voi chẳng những để mừng thắng lợi của các thợ săn voi trong buôn mà còn toát lên một ý nghĩa hết sức tốt đẹp. Qua lễ cúng dân làng cầu mong sức khỏe cho con voi, sự bình yên và phát đạt cho chủ voi cũng là để thần linh cùng mọi người chứng giám con voi mới đã trở thành thành viên yêu quý, thành “đứa con” của làng buôn. Voi sẽ được đối xử tử tế, được tham gia việc làng, các sinh hoạt lễ hội và sống theo khuôn khổ, phép tắc, luật tục của đồng bào.

Tùy theo khả năng kinh tế của gia đình mà sắm sửa lễ vật. Lễ cúng lớn, sang trọng thì giết trâu ăn mừng, còn lễ cúng bình thường thì giết heo, gà. Các lễ vật bắt buộc phải đi kèm theo là 7 ché rượu cần, 1 chén gạo có cắm đèn sáp, 1 chén cơm, 1 bầu nước, một vài chén lòng lợn, lòng gà… Trước khi cúng cho voi thì thầy cúng phải làm nghi lễ cúng cầu sức khỏe, bình an cho gia đình. Nghi lễ này được tiến hành trong ngôi nhà của chủ voi.

Lễ tiết quan trọng nhất trong buổi cúng là việc cúng thần voi. Lễ được tiến hành ở ngoài sân và trên sàn hiên của chủ voi. Con voi lớn đã có công bắt được voi rừng, giúp người thuần dưỡng cũng “có mặt” trong lễ cúng này. Đàn cúng được làm bằng tre nứa, dựng ở giữa sân, là nơi đặt các lễ vật để làm lễ. Đàn cúng gồm 4 cây nứa nhỏ, sơn màu đỏ bằng huyết heo, gà, phía trên đầu cọc cắm những tua rua vót bằng nứa, treo những xâu lòng, tai và đuôi heo. Người ta gài miếng phên nứa nhỏ phía trên 4 cái cọc và đặt đầu heo lên đấy để cúng.

Đàn cúng như một “lễ đài” để làm lễ hiến sinh cho thần voi. Bên dưới đàn cúng, người ta cắm một chiếc sừng trâu và đặt một chiếc mâm với đầy đủ lễ vật. Lời khấn thần có nội dung sâu sắc, cô đọng thể hiện tình cảm quý mến của con người dành cho chú voi thành viên mới của buôn làng.

Xin báo với thần Nguăch Ngual/ Nay ta dẫn con voi mới vào làng/ Thần khiến con voi yên tâm ở Buôn làng/ Thần khiến con voi yên tâm chuyên chở/ Voi đừng có sợ hãi đi hoang/ Voi yên tâm ăn bụi tre làng/ Voi ở làng phải sống trăm tuổi/ Voi phải ngoan trở thành voi thợ/ Sau này ta đi săn bắt voi con/ Bắt sáng được trăm, bắt chiều được nghìn/ Buôn làng có sai phạm luật voi/ Voi đừng đau, đừng bệnh, đừng gầy/ Voi luôn luôn vui vẻ, khỏe mạnh…

Lễ cúng voi nhập buôn thể hiện rõ nét việc ứng xử của con người đối với con voi – loài động vật mang lại lợi ích lớn nhất cho đồng bào. Ngày nay, lễ cúng voi và các nghi lễ khác được phục dựng trong chương trình Hội voi Đắk Lắk vừa để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa độc đáo của đồng bào, vừa phục vụ khách tham quan du lịch tại quê hương những Gru săn voi nổi tiếng.