Đền Trần được xây dựng trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ thứ 15. Đền Trần Nam Định gồm 3 công trình kiến trúc chính, là đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Cả 3 đền đều có kiến trúc chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu vu..
Lễ hội đền Trần Nam Định diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm. Những năm chẵn hội mở to hơn năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức về trẩy hội đền Trần. Hành hương về cội nguồn ai cũng mong muốn điều tốt lành, thịnh vượng. Trước sân đền phấp phới lá cờ đại – lá cờ truyền thống với năm màu rực rỡ biểu trưng cho ngũ hành, hình vuông biểu tượng đất (âm), rìa tua hình lưỡi liềm biểu tượng trời (dương). Chính giữa cờ hội thêu chữ “Trần” bằng chữ Hán do hai chữ “Đông” và “A” ghép lại.
Lễ hội được mở đầu bằng Lễ khai ấn từ giờ Tý. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều du khách đến hành lễ tại Đền Trần vào dịp đầu xuân để xin, hoặc mua ấn, với mong ước sẽ được thăng tiến, thành đạt trong sự nghiệp.
Lễ hội được cử hành trang nghiêm. Nghi lễ được diễn ra với các lễ rước từ các đình, đền xung quanh về dâng hương, tế tự ở đền Thượng thờ 14 vị vua Trần. Lễ dâng hương có 14 cô gái đồng trinh, đội 14 mâm hoa đi vào đền trong tiếng nhạc lễ dâng lên 14 ngai vua. Nghi lễ này là hồi ảnh của cung cách triều đình phong kiến xa xưa.
Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú, độc đáo như chọi gà, diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn, múa bài bông. Chính những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo này đã tạo cho hội Đền Trần sức hấp dẫn và cuốn hút du khách thập phương.
Lễ hội Đền Trần là một trong những lễ hội truyền thống lớn, niềm tự hào của mỗi người dân Nam Định khi nhớ về cội nguồn dòng giống của các bậc đế vương và của dân tộc Việt Nam.