Sapa nơi vùng đất liền trời, quanh năm mây phủ luôn là niềm mong ước của nhiều người được đặt chân đến đây. Với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của núi đồi, những thửa ruộng bậc thang… và nét đẹp độc đáo của bản sắc dân tộc, Sapa luôn được bình chọn là một trong những điểm đến đẹp nhất trên thế giới. đã có chuyến du lịch Sapa 2 ngày 1 đêm với nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều trải nghiệm tuyệt vời.
Ngày 1: Hà Nội – Sapa – Núi Hàm Rồng – Chợ tình Sapa.
Chúng tôi đến sapa vào những ngày mùa thu tháng 9, khi những thửa ruộng bậc thang đang bắt đầu ngả vàng trên khắp các sườn đồi. Dù không phải lần đầu tiên đặt chân đến Sapa, nhưng chúng tôi vẫn háo hức và mong chờ chuyến hành trình Sapa 2 ngày 1 đêm. Bởi lẽ, Sapa mùa nào cũng đẹp, mùa nào cũng có những cảnh sắc thiên nhiên đặc trưng làm say đắm và lưu luyến lòng người.
Chúng tôi khởi hành từ Hà Nội bằng đường cao tốc mới Nội Bài – Lào Cai- đường cao tốc có quy mô lớn nhất, dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam đã mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm vô cùng thích thú và mới mẻ. Ngồi trên xe ô tô, chúng tôi được thỏa mãn ngắm nhìn phong cảnh và thiên nhiên núi rừng Tây Bắc với những đồi cây xanh ngắt, những cánh đồng lúa màu mỡ đang chuẩn bị vào mùa gặt. Khung cảnh thiên nhiên yên bình và trong lành đã mang đến cho chúng tôi tràn đầy cảm xúc trước khi đặt chân đến Sapa. Với chặng đường gần 300km nhưng chỉ mất 5 tiếng, chúng tôi đã có mặt tại thị trấn Sapa. Sapa đón chúng tôi vào một buổi trưa nắng nhẹ, lúc này mây mù tan dần để lộ một khoảng không gian rộng lớn. Thị trấn nhỏ với những ngôi nhà mang kiến trúc độc đáo và những lẵng hoa xinh đẹp mang đến cho chúng tôi cảm giác yên bình và thơ mộng. Chúng tôi được thưởng thức bữa trưa vùng cao với những đặc sản của núi rừng Tây Bắc: rau cải mèo, gà đồi, lợn cắp nách… những món ăn giản dị nhưng mang những hương vị thơm ngon đặc trưng.
Buổi chiều, chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục núi Hàm Rồng – ngọn núi nằm ngay trong trung tâm thị trấn Sapa. Chúng tôi đi theo những bậc thang lên núi Hàm Rồng, càng leo lên cao khung cảnh thiên nhiên càng tuyệt đẹp với những sắc hoa phong lan dịu dàng, hoa cẩm tú cầu, hoa thạch anh tím… Dòng chữ khổng lồ “SA PA” kết từ những chậu hoa tươi là nơi thu hút rất đông người tới chụp ảnh tạo nên một nét đẹp Sapa đặc trưng. Cũng từ đây, chúng tôi được ngắm nhìn toàn cảnh khu du lịch Sapa bồng bềnh trong mây trắng và ngắm đỉnh núi Fansipan cao 3143 m được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”. Sau một chặng đường, chúng tôi đã lên đến nơi cao nhất của khu du lịch Hàm Rồng (cao khoảng gần 2000m so với mặt nước biển) đó là Sân mây. Cảm giác đứng giữa thiên nhiên đất trời mênh mông, xung quanh là mây trắng khiến chúng tôi vô cùng thích thú và là một kỉ niệm đáng nhớ.
Sau khi ăn tối, chúng tôi vô cùng háo hức được tham dự phiên chợ Tình (họp tối thứ bảy hàng tuần) tại khu vực trước mặt nhà thờ thị trấn. Đây là điểm hẹn tình, nơi giao duyên của những chàng trai, cô gái người Mông, Dao… Tiết trời mùa thu se lạnh hòa cùng với mùi ngô nướng thơm nồng và không khí nhộn nhịp của phiên chợ Tình khiến cho mỗi chúng tôi cũng nô nức và hứng khởi theo. Từ mọi ngả đường đổ về khu vực nhà thờ trở nên đông vui, tấp nập hơn với những cô gái, chàng trai mặc những bộ quần áo đẹp và xen lẫn đó là những khách du lịch bốn phương mong muốn được tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của dân tộc vùng cao. Trong khung cảnh đông vui, nhộn nhịp đó vang lên tiếng khèn của các chàng trai người Mông làm rộn ràng thêm cả một góc chợ. Nhiều khách du lịch cũng cố len vào đám đông để được tận mắt nhìn thấy các chàng trai Mông thể hiện tài năng và thu hút bạn tình. Ở khu vực giữa chợ dường như thu hút nhiều người xem nhất bởi tiếng hát, tiếng cười của những chàng trai, cô gái cùng nắm tay nhau nhảy múa bên đống lửa. Chúng tôi cũng mạnh dạn hòa cùng với không khí vui tươi đó, dường như mọi khoảng cách xa lạ đều biến mất chỉ còn sự chân thật, hôn nhiên của tình người với người.
Tham dự chợ Tình, chúng tôi còn được ngắm nhìn những mòn đồ thổ cẩm do người dân vùng cao tự tay làm. Đó có thể là những chiếc áo, chiếc váy… hay những chiếc móc chìa khóa để khách du lịch mua về làm kỉ niệm.
Khi màn đêm buông xuống, chợ vãn dần và dường như im ắng hơn cho đến khi chỉ còn lác đác những du khách muốn được thưởng ngoạn Sapa khi đêm xuống. Bên bếp than rực hồng với khoai nướng, trứng gà nướng…ấm nồng cùng chén rượu Bắc Hà, Shan lùng để xua đi cái lạnh vùng Tây Bắc, dường như những âm thanh của phiên chợ tình đông vui, nhộn nhịp vẫn hiện hữu trong tâm trí mỗi chúng tôi. Để rồi mỗi chúng tôi tự nhủ lòng sẽ còn quay lại mảnh đất vùng cao xinh đẹp này thêm nhiều lần nữa.
Ngày 2: Sapa – bản Cát Cát – Hà Nội
Sớm thu Sapa, trời vẫn chưa quang mây, cả thị trấn vẫn chìm trong màn sương mù. Chúng tôi vẫn quyết định đi dạo và khám phá chợ Sapa. Chợ Sapa buổi sớm tấp nập, nhiều màu sắc của những người dân tộc với váy áo sặc sỡ và tràn ngập những trái táo mèo của vùng cao. Chúng tôi được thưởng thức xôi bảy màu – đặc sản của vùng cao với màu sắc tươi đẹp và hương vị thơm ngon đặc trưng.
Sau đó, chúng tôi bắt đầu hành trình tham quan bản Cát Cát – bản nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, nơi người dân tộc Mông sinh sống. Trên đường xuống bản, chúng tôi được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín vàng óng, tầng tầng lớp lớp như những “nấc thang lên thiên đường”. Đi khoảng mấy trăm mét bậc thang, qua cây cầu Si là trung tâm Cát Cát, chúng tôi vô cùng ấn tượng với những ngôi nhà của người Mông còn mang nhiều nét cổ như: nhà ba gian lợp ván gỗ pơ mu, các cột nhà đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông, vách được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào, cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng người Mông ở bản Cát Cát vẫn mặc những bộ trang phục truyền thống: Với phụ nữ, khăn là tấm vải chàm hình chữ nhật quấn quanh đầu, áo mặc bên trong là màu chàm, xẻ ngực, áo khoác ngoài có thân dài, cổ áo thêu hoa văn theo mô-típ họa tiết cổ. Thắt lưng được làm bằng vải có tua ở hai đầu, giữa thêu các họa tiết. Quần lửng qua đầu gối, bắp chân quấn xà cạp màu chàm.
Ðàn ông người Mông phần lớn vẫn đội chiếc mũ làm bằng vải lanh, gồm tám miếng vải khâu ghép, mặc áo trong xẻ nách ngắn, áo khoác ngoài dài. Cổ áo thêu hoa văn móc câu kiểu hoa văn đơn; quần chàm màu đen, ống rộng.
Đến nơi đây, chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với thác nước Cát Cát, trạm thủy điện Cát Cát… mà còn được tận mắt nhìn thấy những cô gái miền núi dệt những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn và trò chuyện, tìm hiểu những nét văn hóa, phong tục độc đáo của người dân nơi đây. Có lẽ, phải một lần đến nơi đây và trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân mới cảm nhận được hết vẻ đẹp mộc mạc, yên bình của một bản làng dân tộc vùng núi Tây Bắc.
Chúng tôi tạm biệt thị trấn xinh đẹp Sapa để trở về Hà Nội. Nhưng dường như trong mỗi chúng tôi vẫn còn những luyến lưu riêng và mong ngày trở lại mảnh đất ấy. Mảnh đất của những loài hoa tươi đẹp, những sắc màu độc đáo, vui tươi của phiên chợ tình… và mảnh đất của những con người bình dị, chân thành. Có lẽ, phải một lần đặt chân đến Sapa và khám phá những nét đẹp nơi đây mới có thể hiểu được tại sao một thị trấn nhỏ vùng cao lại thu hút nhiều du khách đến vậy?