Thu về tưng bừng lễ hội Kiếp Bạc

Thu về tưng bừng lễ hội Kiếp Bạc

 

Lễ hội Kiếp Bạc là lễ hội có quy mô quốc gia. Được hình thành từ sau khi Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo qua đời. Cho đến nay, lễ hội giữ vai trò to lớn trong đời sống văn hoá và tín ngưỡng của dân tộc.

Lễ hội chính được diễn ra từ ngày 15-20/8 âm lịch tôn vinh Đức Thánh Trần Hưng Đạo, từ nhiều thế kỷ qua, đã là tập quán của người Việt Nam. Ngày 20/8 âm lịch mới là chính hội nhưng một vài ngày trước đó khách thập phương đã nô nức kéo về, thuyền đậu chật bến sông. Lễ hội được tổ chức rất long trọng vào ngày 20/8 âm lịch. Sau lễ dâng hương là đại lễ với nghi thức tế uy nghiêm.

Sau lễ tế là đến lễ rước. Bài vị Ðức Thánh Trần được rước trên Kiệu sơn son thiếp vàng, đi qua Tam Quan hướng tới bờ sông. Từ đây kiệu được rước lên thuyền rồng. Cuộc rước kéo dài khoảng 2 giờ, sau đó lại rước Ngài trở lại đền để làm lễ tạ – đồng thời kết thúc ngày hội lớn.

Một trong những trò diễn hấp dẫn của lễ hội Kiếp Bạc là đua thuyền trên sông Lục Ðầu với hàng trăm chiếc thuyền lướt như tên bắn cùng trống thúc, chiêng dồn và tiếng hò reo dậy đất náo nức lòng người. Trảy hội Kiếp Bạc được sống lại không khí ra trận năm xưa của Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, mỗi người dân Việt Nam càng thấy tự hào hơn về lịch sử vẻ vang của dân tộc mình.

Hội Kiếp Bạc là hội lớn của đất nước, hội lớn nhất của Hải Dương, được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt thành, được nhà nước quan tâm. Trong nhiều năm lại đây, đồ tế tự nhân dân cung tiến trị giá hàng trăm triệu đồng, tiền công đức cũng tới hàng tỷ đồng, nhà nước đầu tư các hạng mục cũng rất lớn. Việc tổ chức lễ hội, quản lý các mặt hoạt động đã đạt được kết quả đáng kể, các tệ nạn đã được khắc phục cơ bản. Lượng khách đến lễ hội hằng năm và tham quan di tích ngày càng tăng.