Khám phá Cồn Hến – Huế

Khám phá Cồn Hến – Huế

 

Cồn Hến là một hòn đảo nhỏ trên sông Hương đoạn chảy qua thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cồn Hến được hình thành bởi sự bồi lấp của đất và phù sa nổi lên giữa dòng sông Hương.  Cồn chia sông Hương chảy qua đoạn này thành hai nhánh: Nhánh phía đông chảy qua phường Vỹ Dạ và nhánh phía Tây chảy qua các phường Phú Cát, Phú Hiệp.

Cồn Hền nổi tiếng với đặc sản cơm, bún hến của riêng Huế. Tuy nhiên, ít người du lịch Huế ghé thăm Cồn Hến. Trong sự thay đổi nhanh chóng của Huế, cồn Hến vẫn luôn mang trong mình vẻ trầm mặc sâu lắng, vì vậy có người nói cồn Hến là Huế của muôn năm cũ.

Để đến Cồn Hến, du khách qua cầu Phú Lưu, còn gọi là cầu Cồn – cây cầu nhỏ duy nhất dẫn vào Cồn Hến từ đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ. Cây cầu này được xây dựng trước năm 1975 và đã trải qua nhiều lần trùng tu.  Qua cầu Cồn là thẳng tới con đường chính và là con đường duy nhất trên cồn có tên: Ưng Bình. Ưng Bình (1877-1961) là một danh sỹ cuối thời Nguyễn, cũng là một nhà thơ tiền chiến

Sử sách không ghi chép Cồn Hến xuất hiện trên sông Hương từ bao giờ. Theo một số tài liệu như Văn sở tế thần và địa bạ các ấp viết về Cồn Hến thì ban đầu, Cồn Hến có tên là “xứ cồn cạn” do hai khe nước ở giữa cồn bị bồi lấp cạn dần, nhiều loài cá tôm đến đây sinh sống. Ban đêm nhiều người tới đây đánh bắt, đốt đèn đuốc soi sáng cả một vùng nên cồn được gọi là Cồn Soi.

Cũng bởi sự hình thành cồn do bồi lấp mà về sau, quần cư ở đây đã lập nên làng có tên là Bồi Thành. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1725-1738) xây dựng phủ chúa ở Phú Xuân, ông Huỳnh Tương (người xã Diên Đại, Phú Vang, Thừa Thiên) được coi là người đầu tiên đến dựng chòi định cư và làm nghề cào hến. Cái tên Cồn Hến bắt đầu từ đó và nghề cào hến và chế biến hến được truyền – nối và phát triển, trong một thời gian dài là nghề chính của cư dân cồn Hến.

con hen hue 1

Đến với Cồn Hến, du khách sẽ cảm giác thời gian như ngừng trôi với những xóm nhỏ im ắng và trầm mặc. Cuộc sống yên bình nơi đây bắt đầu một ngày bằng tiếng máy cào hến xé tan không khí tĩnh mịch, tiếp nối bằng những làn khói trắng và mùi hến luộc và kết thúc trong những xóm nhỏ bên những tô cơm, bún hến thơm nức.  Đến nơi đây, du khách đừng quên thưởng thức tô bún hến – đặc sản Huế và cảm nhận vẻ đẹp sâu lắng của ngàn năm.