Cứ đến rằm tháng giêng âm lịch hàng năm, khi mùa ban bắt đầu nở khắp núi rừng, người dân ở Tây Bắc lại bắt đầu tổ chức Lễ hội hoa ban, cùng với tiếng trống, tiếng chiêng rộn vang khắp thôn bản.
Trước đây, Lễ hội hoa ban của người Thái tổ chức nhưng nay còn thu hút nhiều dân tộc khác cùng tham dự. Lễ hội được tổ chức khắp vùng Tây Bắc, ở đâu có rừng ban thì nơi đó người dân tổ chức Lễ hội Hoa ban, đánh dấu một mùa xuân mới khởi đầu cho mùa làm nương, cuốc rẫy.
Lễ hội hoa ban được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn như múa xòe, thi ẩm thực những món được chế biến từ hoa ban, thi bắt cá, chọi chim, chọi gà, kéo co, tó má lẹ (trò chơi chọi quả), thi trình diễn trang phục dân tộc, hát giao duyên và các trò chơi dân gian khác cũng góp mặt trong Lễ hội độc đáo này.
Từ sáng sớm, trên khắp các bản làng, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên giục giã. Các bếp nhà sàn lửa đỏ bập bùng. Người ta đồ xôi, luộc gà làm cỗ. Những vò rượu thơm ngon được mang ra đãi khách. Sau khi ăn uống no say, mọi người cùng đổ vào rừng để tìm những cánh hoa Ban mới nở. Họ trân trọng mang về tặng cha mẹ, tặng người yêu, vì người Thái cho rằng, hoa Ban trắng vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng của tình yêu trai gái.
Tham khảo tour Tây Bắc mùa hoa ban nở 4 ngày 3 đêm
Trong mâm cỗ đầu năm, người Thái cũng hay cài những cánh hoa đẹp trên bàn thờ như để bày tỏ lòng biết ơn những bậc sinh thành đã qua đời. Nếu là con trai hay con gái, họ kể cho nhau nghe một câu chuyện tình trong sáng nhưng rất thương tâm giữa chàng Khun và nàng Ban xa xưa. Sau đó họ hát cho nhau nghe bản tình ca.
Hội hoa Ban cũng là hội cầu mùa, cầu phúc của người Thái. Họ gởi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về cuộc sống thanh bình, no ấm, là dịp để bày tỏ đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ đồng thời cũng là dịp lễ để các chàng trai, cô gái tìm hiểu nhau qua tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa ngày xuân.